Đông Nam Bộ là trung tâm đô thị, công nghiệp của cả nước luôn thu hút rất đông người nhập cư theo dòng chảy việc làm, đặc biệt là xu hướng phát triển nhà ở xã hội đang đi đầu trong năm 2023.
Chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng nhiều năm vừa qua cũng vẫn luôn nỗ lực trong việc phát triển nhà ở xã hội cho người dân, nhưng vẫn còn thiếu cho các đối tượng thực sự có nhu cầu. Nhiều giải pháp đã và đang được đặt ra góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc, đồng thời thúc đẩy đầu tư các dự án nhà ở xã hội, hướng đến phát triển đô thị thông minh.
Vướng mắc thủ tục pháp lý đối với Nhà ở xã hội
Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025 lũy kế dự kiến là 244.550 đối tượng, khả năng thành phố sẽ phát triển 30.500 căn hộ. Giai đoạn 2026 – 2030, nhu cầu là khoảng 239.100 đối tượng, khả năng dự kiến phát triển 50.000 căn hộ.
Tuy nhiên, hiện quản lý phát triển nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, các quy định pháp luật, thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải thực hiện thêm nhiều khâu mà dự án nhà ở thương mại không phải thực hiện, gồm xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, sau đó thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất; thẩm định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội; xác nhận đối tượng…
Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ vướng mắc cho ba dự án nhà ở xã hội đang gặp những vướng mắc pháp lý khác nhau không thể khởi công, gồm dự án nhà ở xã hội số 4 Phan Chu Trinh (phường 12, quận Bình Thạnh) diện tích 12.100 m2, dự kiến xây 805 căn; dự án nhà ở xã hội chung cư Tanimex (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) với quy mô 472 căn hộ; dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên giai đoạn 1 (huyện Bình Chánh) diện tích 23.100,8 m2, quy mô 1.456 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê. Dự kiến nếu được khởi công và hoàn thiện, ba dự án này sẽ cung ứng 2.778 căn hộ.
Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Trung Đông Hưng Trần Văn Trãi cho rằng, hiện số doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội thì khá ít, trở ngại lớn nhất có lẽ là lợi nhuận chưa đủ sức hấp dẫn để đầu tư, song song đó là quỹ đất ngày càng hạn hẹp, khó tìm kiếm.
Thực tế, dân số chung cả Thành phố Hồ Chí Minh tăng trung bình 200.000 người/năm và hiện vào khoảng 13 triệu người. Thiếu nhà ở xã hội cũng là nguyên nhân của nạn mua bán đất giá rẻ bằng “giấy tay” và xây dựng nhà bất hợp pháp, bởi nhiều người thu nhập thấp chỉ có cách đó để có nhà ở.
Nhưng cũng có những doanh nghiệp tự mình xoay xở để hiện thực hóa giấc mơ an cư cho công nhân của họ qua việc xây chung cư nhiều tầng, nhiều loại diện tích và bán giá ưu đãi cho người lao động hoặc cho thuê. Đặc biệt, các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai,… có mô hình khu căn hộ diện tích nhỏ, giá bán trung bình 500 – 700 triệu đồng, phù hợp khả năng của số đông.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, nhà ở xã hội là vấn đề được cả hệ thống chính trị trong tỉnh chú ý phát triển. Toàn tỉnh hiện có 32 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 10.270 ha; trong đó, 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động.Tổng số người lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở hiện nay khoảng 410.000 người. Sắp tới, nhiều khu công nghiệp mới sẽ được đầu tư, số lượng công nhân và nhu cầu nhà ở cho công nhân sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo đến năm 2025 nhu cầu về chỗ ở công nhân khoảng 450.000 người.
Sở Xây dựng Đồng Nai cho rằng, vướng mắc lớn nhất của các dự án nhà ở xã hội hiện nay là quy trình, thủ tục. Vì vậy, cần nhanh chóng thống nhất bộ quy trình, thủ tục với các dự án nhà ở xã hội, nên chọn 1 – 2 dự án thí điểm việc rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục.
Chính quyền địa phương cần nhiều giải pháp tích cực hơn
Sở Xây dựng đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội. Trường hợp vượt thẩm quyền, kiến nghị Bộ Xây dựng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để được xem xét giải quyết.
Hiện một số dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị quy mô sử dụng đất từ 2 – 10 ha xin điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện, thì khi thực hiện điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo pháp luật về đầu tư, kiến nghị vẫn thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo quy định pháp luật về nhà ở xã hội tại thời điểm được chấp thuận đầu tư trước đây.
Theo ông Trần Văn Trãi, cần bố trí nguồn vốn hỗ trợ, trước mắt có thể tận dụng một phần quỹ phát triển nhà để cho vay ưu đãi làm nhà ở xã hội, kể cả cho người có nhu cầu mua nhà hay thuê chỗ ở vay.
Bên cạnh đó, chuyển mục đích sử dụng một số khu đất nông nghiệp sang đất ở để phát triển dự án; kiểm tra số ít dự án nhà ở xã hội đang có xem có được phân phối, bán hoặc cho thuê đúng đối tượng hay không và phải cương quyết xử lý vi phạm,…
Tỉnh Đồng Nai đang mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, kinh nghiệm đầu tư các dự án nhà ở có chất lượng tốt, giá cả phù hợp để người nghèo có đủ khả năng mua nhà trả góp trong 15 – 20 năm. Tỉnh sẽ tính toán kỹ đưa vào quy hoạch đến năm 2030, bố trí đủ quỹ đất làm nhà cho người thu nhập thấp, các căn hộ khi hoàn thiện phải phù hợp, có không gian, phúc lợi đầy đủ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng, các sở, ban, ngành và địa phương cần phải tích cực hơn nữa, căn cứ chức năng nhiệm vụ, tổ chức quán triệt và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội của tỉnh.
Từ những vướng mắc thực tế, đóng góp ý kiến để Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện quy trình thủ tục thực hiện dự án đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các địa phương có đông công nhân lao động rà soát nhu cầu, rà soát quỹ đất, trên cơ sở đó đề xuất triển khai thực hiện ở vị trí phù hợp, đôn đốc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bàn giao quỹ đất 20% về địa phương.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư các dự án nhà ở nói chung; trong đó, có các dự án nhà ở xã hội.
Cụ thể là việc sửa đổi các quy định pháp luật, như một số điều tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100) cũng đã sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, làm rõ các quy định theo hướng dễ thực hiện.
Riêng Nghị định 49, Chính phủ đã quy định các trình tự thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, gồm chuẩn bị đầu tư gồm các thủ tục liên quan đến việc dành quỹ đất, giao đất, tính tiền sử dụng đất; thủ tục trình tự đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, cũng như các bước liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án; thực hiện các dự án đầu tư; liên quan đến kết thúc nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Theo dõi Mua Bán Đất Củ Chi để nhận thêm nhiều tin tức mới nhất về Bất động sản !