Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2022, chỉ có 9 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) được cấp phép mới, với quy mô 5.526 căn hộ. Đối với nhà ở thương mại, đã cấp mới 126 dự án với 55.732 căn hộ.

Nhà ở xã hội tuy là điểm sáng của thị trường BĐS nhưng nguồn cung vẫn còn hạn chế

Đưa chính sách nhà ở xã hội vào cuộc sống giúp cải thiện An Sinh Xã Hội
Đưa chính sách nhà ở xã hội vào cuộc sống giúp cải thiện An Sinh Xã Hội

Những con số này cho thấy NƠXH khan hiếm nghiêm trọng, trong khi nguồn cung nhà ở hạng trung – cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng nhiều. Thực tế này đẩy giá bất động sản (BĐS) lên mây, dẫn đến khó khăn đầu ra, kéo cả nền kinh tế lao đao.

Để có vốn phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030, Chính phủ mới đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (khoảng 10% nhu cầu vốn giai đoạn 2022 – 2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay các dự án NƠXH, nhà ở công nhân theo hình thức tái cấp vốn. Trong đó, chủ đầu tư dự án được vay ưu đãi 50% của gói tín dụng trên, tương đương 55.000 tỷ đồng. Số tín dụng còn lại, 55.000 tỷ đồng, sẽ dành cho người mua nhà vay.

Thông tin trên mở ra nhiều tín hiệu mới, tích cực cho NƠXH. Bởi giải pháp này trước đây đã được thực hiện và đã phát huy hiệu quả trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 góp phần “phá băng” thị trường BĐS, tạo động lực thúc nền kinh tế sôi động.

Theo chuyên gia, gói tín dụng nếu được thông qua sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp; đồng thời hỗ trợ chủ đầu tư cơ cấu lại sản phẩm như hạ giá bán, chuyển đổi dự án…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại khi chương trình phát triển NƠXH chỉ sôi động trong bối cảnh thị trường BĐS khủng hoảng cần được “giải cứu”, rồi sau đó việc triển khai biến thành “đầu voi đuôi chuột”. Do vậy, cần phải có một cuộc cách mạng triệt để, căn cơ, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, thông qua chương trình phát triển NƠXH, cũng như nhà lưu trú công nhân.

Nguyên nhân khiến cho việc triển khai NƠXH dành cho người nghèo, thu nhập thấp chưa đạt được yêu cầu đề ra là những bất cập, vướng mắc cả về nguồn lực đất đai và nguồn lực tài chính.

Nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về nhà ở theo quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển NƠXH. Nguồn vốn dành để phát triển NƠXH hạn chế, phụ thuộc vào ngân sách. Quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án chưa thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan. Trong khi đối tượng thụ hưởng chính sách, phạm vi thực hiện chính sách vừa thừa vừa thiếu, chưa hiệu quả.

Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển NƠXH nói riêng, dư luận đánh giá cao việc Chính phủ trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết riêng về thí điểm một số chính sách thúc đẩy phát triển NƠXH.

Theo đó, các chính sách nhằm tạo động lực phát triển NƠXH trong thời gian tới sẽ giải quyết dứt điểm các “nút thắt” về giao đất để đầu tư xây dựng dự án NƠXH; quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển NƠXH; lựa chọn chủ đầu tư dự án; quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua NƠXH; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách NƠXH…

Xác định việc đầu tư phát triển NƠXH cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung – dài hạn, UBND tỉnh, thành phố sẽ chịu trách nhiệm bố trí, đảm bảo quỹ đất cho phát triển NƠXH trên địa bàn.

Để đốc thúc chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030 đạt hiệu quả, thiết nghĩ các bộ, ngành, địa phương cần thành lập tổ công tác ở từng cấp, có đủ thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc kịp thời, nhằm đảm bảo chương trình phát triển NƠXH thông suốt, hiệu quả.

Nếu những giải pháp của Chính phủ được triển khai và thực hiện quyết liệt trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng chương trình phát triển NƠXH sẽ giải quyết cơ bản được chốn an cư cho người thu nhập thấp cũng như các thành phần yếu thế trong xã hội.

Theo dõi Mua Bán Đất Củ Chi để nhận tin tức về Bất động sản !